Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

Khi cái ác chiến thắng trong game

Thiện luôn thắng ác, điều này liệu có lúc nào cũng đúng?
Trong cuộc sống, không phải cái tốt bao giờ cũng chiến thắng, ở hiền chưa chắc đã gặp lành. Ngược lại, các video games lại thường hay lý tưởng hóa cuộc sống với tiền đề “thiện thắng ác” và những cái kết hạnh phúc. Thế nhưng, cũng có một vài ví dụ mà ở đó cái ác hoàn toàn chiến thắng, và người chơi không thể làm gì để thay đổi kết cục này. Sau đây là danh sách 7 game tiêu biểu nhất có những cái kết theo kiểu “cái ác đập nát cái thiện”

Có thể bạn quan tâm:




Singularity

Ở Singularity, bạn sẽ phải lựa chọn ở đoạn kết của game. Bạn có thể bắn Demichev (nhà khoa học đã phát minh ra thiết bị Time Manipulation Device), Barisov (tên sĩ quan muốn chiếm nó) hoặc cả 2. Nhưng dù lựa chọn thế nào thì kết cục cũng chẳng có gì tốt đẹp cả.


Bắn Demichev, và Barisov sau này cũng sẽ phục hồi được thiết bị TMD, và dùng nó để thống trị thế giới. Xấu. Bắn Barisov, sau đó nhân vật của bạn (Renko) sẽ bắt tay với Demichev lên ngôi bá chủ thế giới. 7 năm sau, Renko và Demichev trở nên nghi kị lẫn nhau, và một nội chiến đẫm máu sẽ bùng nổ. Xấu. Bắn cả 2 người, rồi Renko sẽ dùng TMD để áp đặt những tham vọng của mình lên thế giới vốn đã quá hỗn loạn, và trở thành Hitler thứ 2. Cũng xấu nốt. Bài học ở đây là gì? Khi số phận của thế giới nằm trong bàn tay của 3 tên độc tài độc ác, thì việc thế giới biến thành một địa ngục trần gian là một điều không thể tránh khỏi.

Castlevania: Legacy of Darkness

Hầu hết những game trong series Castlevania đều có một cái kết trung lập, bên sứt đầu bên mẻ trán, hoặc là một chiến thắng rất mỏng manh thuộc về cái thiện. Lấy Lords of Shadow làm ví dụ. Đúng, Gabriel đã chiến thắng Satan, nhưng sau đó anh lại trở thành Dracula, cũng không kém Satan bao nhiêu. Tuy nhiên, nếu nói đến sự ưu ái cho cái ác thì phải kể đến Legacy of Darkness.

Trong Legacy of Darkness, nhân vật chính Cornell sẽ phải giải cứu người chị của mình, Ada, khỏi việc trở thành vật tế thần cho sự hồi sinh của Dracula. Ở đoạn kết, anh đã hạ gục được Dracula trong trạng thái suy yếu và cứu được Ada. Quá tuyệt phải không? Nhưng đừng ăn mừng vội. Để chiến thắng Dracula, Cornell buộc phải từ bỏ những sức mạnh siêu nhiên của mình, và đó chính là điều Dracula muốn ngay từ ban đầu. Việc bắt cóc Ada chỉ để ngụy trang cho kế hoạch chiếm lấy những siêu năng lực của Cornell, thứ cần thiết cho việc phục hồi lại trạng thái nguyên bản của hắn. Và cuối cùng Dracula cũng đã thực hiện được điều đó ở đoạn kết của game.

Transformers: The Game

Ở game này, kết thúc “xấu” chỉ xuất hiện ở phần chơi Decepticon của game. Khi chơi phe Autobot, Optimus Prime sẽ hạ gục Megatron và cứu lấy trái đất. Tuy nhiên, điều ngược lại sẽ xảy ra ở phần chơi campaign bên phía Decepticon. Lúc này, Megatron “hốt xác” Optimus Prime và chiếm chiếc hộp All Spark cho riêng mình.


Khi chiếc hộp All Spark được kích hoạt, nó biến mọi thiết bị điện tử trên Trái Đất thành một con Decepticon. Megatron sử dụng đội quân khổng lồ này để biến tham vọng của hắn thành hiện thực. Ở đây, tham vọng của hắn chính là dọn dẹp sạch sẽ mọi sinh vật trên địa cầu, biến nó thành một hành tinh chết.

Diablo (series)

Blizzard hay có thói quen khiến cho người chơi tưởng rằng họ đã chiến thắng, trong khi thực tế thường không phải vậy. Cả series Diablo là một ví dụ tốt nhất cho việc kẻ xấu chiến thắng ở toàn cục, còn người tốt chỉ có những chiến thắng u đầu mẻ trán ở cuối mỗi game. Ở bản Diablo đầu tiên, nhân vật chính hi sinh chính bản thân mình để bẫy và nhốt Diablo mãi mãi trong viên Soulstone, ngăn chặn hắn thống trị thế giới. Tuy nhiên, Diablo II nhanh chóng chỉ ra rằng đây chỉ là một nước cờ vô nghĩa.

Tại sao? Bởi vì thực ra linh hồn của Diablo đã nhập vào người anh hùng và tiếp tục thực hiện những âm mưu đen tối của mình. Ở Diablo II, mọi thứ có vẻ sáng sủa hơn. Nhân vật chính hạ gục Diablo ở địa ngục, và phá hủy những soulstones thuộc về Diablo và Mephisto. Tuy nhiên, ở đoạn kết, Marius đưa cho soulstone của Baal cho chính... Baal, sau đó hắn ngay lập tức giết Marius và đốt cháy nhà ngục của mình.

Rốt cục, Diablo cũng quay lại ở Diablo III, nghĩa là hắn vẫn chưa bị đánh bại một cách hoàn toàn, và thế giới vẫn ngập tràn quỷ dữ. Tuy biết rằng đây chỉ là một cách để Blizzard kéo dài series, nhưng cũng phải cảm thấy tội nghiệp cho những cố gắng trong tuyệt vọng của các nhân vật chính, những người anh hùng đã phải chiến đấu đến giọt máu cuối cùng với hi vọng tiêu diệt Diablo và những đồng bọn của hắn.

Modern Warfare 2 

Ở góc độ cá nhân, phải công nhận rằng cái thiện cũng đạt được những thành công nhất định trong Modern Warfare 2. Sheperd chết, Price vẫn sống. Cuộc đời hạnh phúc. Buồn thay, đó chỉ là một chiến thắng nhỏ nhoi so với những mất mát to lớn của thế giới. Trước khi chết (theo một cách đầy bạo lực), tên Sheperd khốn kiếp vẫn kịp kích hoạt lên một cuộc chiến tranh thảm khốc giữa Mỹ và Nga, một cuộc chiến đã làm thiệt mạng hàng nghìn người dân vô tội và làm Nhà Trắng sụp đổ.

Hơn nữa, Price bị buộc phải lẩn trốn và Makarov cũng trốn thoát, những đòn đánh nặng nề cho bên “phe thiện”. Hầu như toàn bộ thời lượng của Modern Warfare 3 được dành cho việc giải quyết những hậu quả của Modern Warfare 2 để lại, và thế giới trở nên tồi tệ hơn rất nhiều sau cuộc chiến Mĩ – Nga. Suy cho cùng, có khi để cho Price bị đông cứng trong Carbonite ở đoạn kết Modern Warfare 2 thì mọi chuyện đã êm đẹp hơn rồi, đúng không?

Red Dead Redemption

Nhân vật chính của game, John Marston, chỉ muốn bỏ quá khứ lại sau lưng. Dù đã từng là một kẻ ngoài vòng pháp luật, nhưng giờ đây anh đã “rửa tay gác kiếm” và muốn làm một con người lương thiện. Trong suốt cả game, John cố gắng làm những điều đúng đắn để bù đắp cho những lỗi lầm trong quá khứ. Anh là một người tốt. Vậy nên, khi John bị bắn hạ bởi Edgar Ross và thuộc hạ của hắn ở đoạn kết, có thể nói, cái xấu đã chiến thắng hoàn toàn.

Ross là một tên cảnh sát “bẩn, và để xóa sạch dấu vết những vụ làm ăn mờ ám trong quá khứ, hắn đã ép buộc John Marston phải truy giết những tên đồng đội trong băng nhóm cũ của mình dưới cái vỏ bọc “công lý”. John từ chối làm việc cho hắn, và điều này cũng đồng nghĩa anh đã tự đóng dấu cho cái án tử của mình. Dù ở đoạn kết, con trai của John – Jack – đã trả thù cho cha của mình, thì đây cũng không phải là một việc tốt đẹp gì, vì ước nguyện lớn nhất của John khi còn sống là Jack sẽ không bao giờ đi theo vết xe đổ của chính mình.

Halo: Reach

Ở đầu game, team Noble vốn đã bị tiêu diệt. Chúng ta cũng đã biết Covenant đã phá hủy hành tinh Reach và truy đuổi chiếc tàu Pillar of Autumn cho đến tận hành tinh nhân tạo Halo, từ đây kích phát nên những sự kiện xảy ra trong bản Halo đầu tiên. Và chúng ta cũng có thể chắc chắn một điều rằng, nhân loại đã chiến thắng. Thế nhưng, điều đó cũng khó có thể làm cho ending của Reach “khởi sắc” hơn chút nào.


Số 6 đã chứng kiến lần lượt từng đồng đội của mình nằm xuống khi cố gắng cầm chân đội quân Covenant. Anh/Cô đã chiến đấu rất kiên cường trước khi gục ngã bởi số lượng kẻ thù quá đông đảo. Một trận chiến không thể thắng! Quân Covenant tiêu diệt tất cả những sinh vật còn sót lại trên Reach và biến hành tinh này thành một vùng đất chết. Một cái kết quá buồn cho những fan của series này.

Vậy đấy, cái thiện không phải bao giờ cũng chiến thắng. Cũng có hàng tá những game khác với multi ending cho phép bạn chọn những cái kết “xấu”, nhưng 7 game trên có lẽ là những ví dụ tốt nhất khi mà cái xấu luôn chiến thắng dù thế nào di nữa. Bạn có biết game nào khác tương tự không? Hãy chia sẽ bên dưới nhé!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét