Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

Game thủ Việt bỏ tiền vào game vì điều gì

Game thủ Việt dường như chẳng còn quan tâm tới cân bằng của tựa game, thay vào đó là tìm mọi cách để nhân vật của mình trở nên mạnh hơn.

Có thể bạn quan tâm:




Việc bỏ tiền vào game online đã từ lâu không còn là điều gì quá xa lạ đối với cộng đồng game thủ Việt nói riêng, mà còn cả làng game thế giới nói chung. Kể từ khi mô hình game online miễn phí được giới thiệu và thực sự có được những thành công vang dội, số lượng người chơi game online nhờ đó tăng lên, các nhà phát hành cũng phải nhìn nhận lại chính sách kinh doanh game online của mình.


Không chỉ một mà còn là hai nghịch lý đã và đang cùng tồn tại ở làng game Việt. Thứ nhất, tuy luôn hô hào game thu phí sẽ giảm tình trạng “trẻ trâu” vào phá game, cũng như game sẽ cân bằng hơn khi không có những cửa hàng in game biến những đại gia lắm tiền nhiều của trở thành siêu nhân, thế nhưng game thu phí tại nước ta ở thời điểm này rất dễ thất bại vì bị chính game thủ quay lưng.

Thứ hai, theo thống kê trong năm 2013 cho thấy, mỗi game thủ Việt tiêu vào game online trung bình 400 nghìn Đồng mỗi tháng. Nếu đem so sánh con số này với khoản tiền trung bình mỗi tháng cần bỏ ra cho một game thu phí là lớn hơn nhiều. Vậy nhưng game miễn phí có kèm cửa hàng trực tuyến vẫn thu hút đại đa số game thủ.

Vậy chuyện gì đang xảy ra?

Game miễn phí tự do hơn

Đó là điều vô cùng dễ nhận thấy. Bạn có thể tự do chiến game đến khi nào nhận ra rằng không bỏ tiền vào game, nhân vật của bạn sẽ mãi chỉ là gã hành giả tép riu giữa biển người phiêu lưu trong game. Trong khi đó với game thu phí, chỉ cần quên nạp tiền thôi là bạn có thể phải “nhịn” cày cuốc đến khi nào chịu bỏ tiền cho NPH thì thôi.

Đó là lý do giải thích cho nghịch lý thứ nhất của làng game: Game thu phí được đánh giá cao, thế nhưng khi game ra mắt, server càng lúc càng đìu hiu vì số lượng người chơi liên tục giảm.

Trong những bài viết trước đây của GameK, một sự thật đã được lột trần: Chẳng có game online miễn phí nào không hút máu game thủ thông qua tính năng VIP hoặc cửa hàng trong game cả. Đơn giản lý do là vì, đây là nguồn thu gần như duy nhất của các NPH khi họ quyết định kinh doanh game online theo kiểu free to play.


Một khi đã bước chân vào thị trường game online Việt Nam, thì bên cạnh đam mê, các nhà phát hành luôn luôn cần phải có tầm nhìn chiến lược để mỗi sản phẩm, mỗi “lá bài” họ tung ra thị trường đều cần có lợi nhuận nhất định. Để làm được điều này, trong cuộc chơi của những game online miễn phí, việc “hút máu” chung quy lại đơn giản chỉ là kiếm tiền từ cộng đồng game thủ như thế nào.

Game thủ bỏ tiền cho chính bản thân mình

Phàm đã là một game thủ, mong muốn đầu tiên của bất kỳ ai chơi game online cũng đều muốn nhân vật trong game của họ phải thật mạnh mẽ, “solo” trăm trận trăm thắng, đi kèm với đó là những bộ trang bị và vũ khí “khủng”, khiến cho bất kỳ ai nhìn vào cũng phải thầm thán phục và ghen tị. Để đạt được điều này, chẳng game thủ nào có thể chỉ chơi game miễn phí mà có được cả.


Chính vì thế, cho dù phải nhịn ăn nhịn mặc nhưng không ít game thủ vẫn chi rất thoáng tay cho nhân vật ảo trong game của mình. Nhân vật càng khủng, đứng top càng cao, cố nhiên số tiền bỏ vào trong game cũng tăng lên theo tỷ lệ thuận. Game thủ sẽ phải đầu tư không ngừng nghỉ để biến nhân vật trong game của mình trở thành “đương thế vô địch” của server trước sự đe dọa “mất top” đến từ hàng chục thậm chí hàng trăm game thủ khác.

Đến đây, nghịch lý thứ hai của làng game Việt được giải thích: Game thủ hoàn toàn chẳng bao giờ quan tâm tới cái gọi là “cân bằng” trong game. Điều duy nhất họ muốn chỉ là nhân vật của mình càng lúc càng mạnh lên với đống trang bị quý giá đôi khi được định mức tiền tỷ trong nhiều cuộc đấu giá vật phẩm trong game.

Tạm kết

Chính vì đặc điểm tâm lý này của game thủ mà trong nhiều năm qua, kể cả trong năm 2014 tới đây, game thu phí, không chỉ riêng tại Việt Nam mà còn trên nhiều quốc gia châu Á khác sẽ càng lúc mất đi vị thế đã từng có trước cơn bão những game online miễn phí đang tăng dần cả về số lượng cũng như chất lượng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét