Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

Flappy Bird – Màn tra tấn “gây nghiện”

Flappy Bird như một màn tra tấn tinh thần đầy đau đớn nhưng cũng vô cùng cuốn hút.
Nhiều người có thể không tin, thế nhưng Flappy Bird, một trong những tựa game mobile đã và đang xếp hạng đầu tại những cửa hàng ứng dụng di động như AppStore hay PlayStore được làm nhờ vào bàn tay của người Việt Nam. Hơn thế nữa, tựa game đang gây sốt này lại được hoàn thiện bởi duy nhất một con người.



Nếu chưa thưởng thức tựa game, nhiều người sẽ nghĩ rằng đây đơn thuần chỉ là một tựa game indie với lối chơi gây nghiện. Từ trước tới nay không thiếu những game indie như vậy lôi cuốn sự chú ý của cộng đồng game thủ tại Việt Nam nói riêng cũng như trên thế giới nói chung. Tuy nhiên khi đã thực sự trải nghiệm tựa game này, người chơi mới thấy được sức hút của nó lớn đến chừng nào.

Nói nôm na, chúng ta có thể so sánh Flappy Bird như một màn tra tấn tinh thần đầy đau đớn, khổ ải và khó chịu, thậm chí dễ phát điên, nhưng cũng vô cùng gây nghiện và cuốn hút, giống như khi chúng ta đi xăm mình vậy.

Nếu là một người hâm mộ những tựa game mobile với đồ họa đẹp lung linh như Infinity Blade hay Asphalt 8 hẳn sẽ vô cùng thất vọng với chất lượng đồ họa mà Flappy Bird đem lại giống như một tựa game 8-bit cổ lỗ từ thời kỳ Famicom với những ống nước xanh lét và chú chim môi dày không khác nhiều so với tượng đài một thời Mario.


Trong game, tất cả những gì bạn phải làm chỉ là chạm vào bất kỳ điểm nào trên màn hình cảm ứng để giúp chú chim “cà nhắc” bay lên. Trên đường bay, hàng loạt những ống nước xếp với chiều cao khác nhau sẽ là chướng ngại vật cho người chơi vượt qua. Nếu không chạm vào màn hình, chú chim môi dày của chúng ta sẽ bị rơi, và game thủ cũng sẽ chẳng thể ăn gian bằng cách giữ thật lâu vào màn hình được.

Một số người cho rằng, Flappy Bird là phiên bản “nhái” của một tựa game từng ra mắt trước đó, mang tên Line Bird. Tuy nhiên thực tế phong cách gameplay đơn giản như của Flappy Bird hoàn toàn không mới và cũng đã có mặt trên khắp các nền tảng máy chơi game cũng như điện thoại từ rất nhiều năm về trước.


Nếu như Line Bird sở hữu những chướng ngại vật rất rộng rãi thoáng đạt, cho phép game thủ vượt qua những màn chơi một cách dễ dàng, thì Flappy Bird dễ khiến game thủ phát điên hơn khi khoảng trống giữa những ống nước bị bó hẹp không thương tiếc. Cộng với cơ chế bay của chú chim “cà nhắc”, game trở thành một màn tra tấn khủng khiếp với những game thủ cố gắng chinh phục nó.

Việc kiểm soát điểm rơi cũng như điểm bay của người chơi là chìa khóa để đạt được số điểm cao trong game. Đến lúc này, người chơi rất dễ rơi vào tình trạng nổi điên mà không làm được gì, vì không lẽ lại ném chiếc điện thoại yêu quý của mình đi chỉ vì một con chim môi dày đâm vào ống cống?


Bản thân tựa game miễn phí này cũng chẳng hề có bất kỳ cửa hàng ảo nào trong game cho phép người chơi mua những món đồ giúp game dễ đi như Candy Crush hay Clash of Clans cả. Lý do là, tựa game vốn dĩ đã vô cùng đơn giản, và người chơi sẽ chỉ có thể dựa vào chính kỹ năng cá nhân để vượt qua càng nhiều khe hở ống cống càng tốt.

Điều này cũng dẫn tới khuyết điểm gần như duy nhất của tựa game: Quảng cáo pop up. Vì là một game miễn phí nên để thu lại lợi nhuận, tựa game buộc phải chèn quảng cáo vào giữa quá trình chơi game. Trong nhiều trường hợp, việc quảng cáo đột ngột hiện ra khiến cho trò chơi bỗng nhiên giật lag, và người chơi khó có thể điều khiển một cách hiệu quả chú chim trong game. Vậy là, đã cáu lại càng thêm bực.


Sở hữu gameplay đơn giản, nhưng với một độ khó quá mức khủng khiếp, và trên hết là miễn phí hoàn toàn, Flappy Bird đánh trúng vào tâm lý thích thể hiện bản thân của không ít người chơi game trên nền tảng mobile nói riêng. Đó cũng chính là một trong những yếu tố đem lại thành công ngoài dự đoán của tựa game made in Vietnam này.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét